Thông điệp​​​​​​​ phòng chống dịch Covid-19 từ 5K chỉ còn 2K+: Điều chỉnh để phù hợp với thực tế

VHO- Khẩu trang - Khử khuẩn là 2K trong số 5K mà Bộ Y tế đưa ra trong chiến dịch truyền thông phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Các chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trước năm 2023 tại Việt Nam.

Thông điệp​​​​​​​ phòng chống dịch Covid-19 từ 5K chỉ còn 2K+: Điều chỉnh để phù hợp với thực tế - Anh 1

 

 Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam khỏe mạnh” với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và những người nổi tiếng Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo số liệu của Bộ Y tế ngày 12.9, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn quốc là 2.013 ca. Trong ngày, tổng số mũi tiêm thực hiện là 89.400 tại 29 tỉnh, trong đó 71.837 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 17.563 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Hiện nay, số bệnh nhân đang thở ô xy là 174 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 142 ca, thở ô xy dòng cao HFNC: 8 ca, thở máy không xâm lấn: 4 ca, thở máy xâm lấn: 20 ca.

Có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn

Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được đánh giá là cơ bản được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây, cả nước vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận các ca bệnh mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia tiếp tục dự báo dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Theo TS. Shane Fairlie, chuyên gia WHO tại Việt Nam nhận định: Dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn. Do đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.

Trong khi đó, tâm lý người dân đã có phần chủ quan trước dịch bệnh. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã chủ trì phát động Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”, với thông điệp mới phòng, chống dịch Covid-19 là 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc+ Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị). Bộ Y tế mong muốn người dân nâng cao ý thức thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe thông qua việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các Ban, ngành các cấp, đoàn thể và địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Có những điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu

Thông điệp 5K được Bộ Y tế được đưa ra từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 bùng phát, với các biện pháp phòng, chống dịch (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế) là một trong những giải pháp truyền thông hữu hiệu giúp tình hình dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát.

Trong chiến dịch truyền thông mới này, Bộ Y tế đã rút xuống còn 2K và kéo dài gần 2 tháng từ ngày 12.9 đến ngày 31.10. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch Covid-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và được chuyển sang quản lý bền vững, thích ứng, linh hoạt với dịch bệnh để tạo điều kiện mở cửa đất nước, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định đời sống của người dân. Vì vậy các thông điệp về tập trung đông người, Bộ Y tế đã có những điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu nêu trên. “Chúng ta vẫn tiếp tục giữ lại việc đeo khẩu trang cũng như khử khuẩn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bắt buộc đeo khẩu trang ở các cơ sở y tế, cũng như các khu cách ly hay những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao và các khu vực công cộng khác. Ở các địa điểm khác chúng ta vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang theo yêu cầu của các địa phương cũng như cơ quan đơn vị”, bà Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, khi đã đưa ra khuyến cáo thì Bộ Y tế đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các Bộ, ngành và các địa phương. Các ý kiến đều thống nhất với việc thực hiện 2K và các biện pháp dự phòng khác. Ngoài ra, kịch bản phòng, chống dịch trong tình hình mới cũng thay đổi, Bộ Y tế đang xây dựng theo hai tình huống là tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Với các xuất hiện các biến chủng mới nhưng không gây ra những tác động nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cũng như cộng đồng, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội thì thực hiện các biện pháp như hiện nay. Tình huống thứ hai là khi dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá tầm của sát của hệ thống y tế cũng như hệ thống khác, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế -xã hội, đặc biệt có sự xuất hiện của những biến chủng mới mà gây dịch bệnh lây lan nhanh, mạnh và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thì sẽ thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn có thể là cấp độ 3 cấp độ 4.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cấp độ dịch từ cấp độ 1 đến cấp độ 4, và chúng ta sẽ căn cứ vào các cấp độ dịch để triển khai các biện pháp. Việt Nam cũng như WHO và các nước trên thế giới đều đánh giá là dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường, có dự báo xuất hiện các biến chủng mới vì vậy chúng ta không được lơ làm mà phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như là các Bộ, ban, ngành liên quan. 

 Một trong những thành công của Việt Nam ở giai đoạn trước là đã đưa ra thông điệp truyền thông 5K một cách thống nhất, toàn diện và hiệu quả để người dân thực hiện. Bây giờ chúng ta chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch mới là quản lý bền vững để chúng ta tận dụng được cơ hội tái mở cửa nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo việc bảo vệ người dân, và đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.

Về phát động chiến dịch 2K+ là một bước đi quan trọng theo định hướng này, nó sẽ được củng cố hơn thông qua sự hợp tác và đoàn kết của từng cá nhân bằng cách thực hiện hai biện pháp rất đơn giản là khử khuẩn (rửa tay) và đeo khẩu trang.

(TS SHANE FAIRLIE, chuyên gia WHO tại Việt Nam)

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc